Bò Lụi Tư Hương Thốt Nốt >> Bò Lụi Tư Hương Thốt Nốt Cần Thơ

Bò Lụi Tư Hương Thốt Nốt Cần Thơ

Mọi người hay có thắc mắc là Cần Thơ có đặc sản gì hay Thốt Nốt có đặc sản gì và mọi người thường hay lầm tưởng rằng Thốt Nốt quê em có đặc sản là trái Thốt Nốt. không phải đâu mọi người ạ! Thốt Nốt là tên của một quận của thành phố Cần Thơ thôi cả nhà nhé!

Quê mình thì không có gì gọi là đặc sản cả vì món quê mình có thì các địa danh khác, các quận huyện khác cũng có. Tuy nhiên, có một vài món ăn khi thưởng thức qua rồi thì chỉ phải “híc hà” và nhớ mãi vì độ ngon của nó mà các nơi khác hiếm khi có được.

Một trong những món mà mình muốn giới thiệu với các bạn là món quen thuộc và mọi người ít nhiều đều một lần được thưởng thức qua đó là món bò lụi mà ở Thốt Nốt mà Bò lụi Tư Hương được mọi người biết đến nhiều nhất.

Quán nằm ngoài mặt lộ nên mọi người cũng khá dễ tìm Chỉ cần đi qua cầu Thốt Nốt chừng 500m theo hướng từ Cần Thơ  về  An Giang là người ta đã có thể ngửi được mùi thơm của món bò lụi.

Về nguyên liệu và các loại rau ăn kèm của món bò lụi nơi đây xem qua chẳng có gì khác so với các địa phương khác mãi cho đến khi thưởng thức miếng đầu tiên thực khách mới “thấm” được vị ngon của món bò lụi nơi này.

Tất cả không có gì đáng ngạc nhiên vì độ ngon của bất kì món ăn nào cũng không chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu mà cái chính là về kinh nghiệm, bí quyết và tình cảm tâm huyết dành cho món ăn ấy.

Để chế biến món bò lụi ngon không hề đơn giản. Bởi, nếu cắt thịt nạc cuốn bên ngoài quá dày hay quá mỏng đều ảnh hưởng đến thịt ba rọi.

Phải biết chọn loại thịt ba rọi có lượng mỡ vừa đủ, nếu không ăn sẽ rất mau ngán. Thêm vào đó, nếu nướng lửa quá to thì thịt nạc bên ngoài chín nhưng thịt ba rọi lại không chín. Lửa quá nhỏ thì xâu thịt bò lâu chín mà lại hôi khói và không có được màu sắc bắt mắt.

Bò lụi nơi đây khi nướng xong được ăn kèm  với các loại rau thơm khác nhau,chuối chát, dưa leo, khế… cùng bánh hỏi.

Cái đặc biệt của món bò lụi nơi đây nữa là nước chấm. Nước chấm đậm đà nhưng vừa phải cân bằng giữa các nguyên liệu với nhau tạo nên sự hài hòa.

Cuộn một miếng bánh hỏi cùng với bò và lượng rau vừa phải chấm một ít nước chấm. Vừa đưa vào miệng mùi thịt bò hòa lẫn mùi sả, tỏi bâm xong thẳng vào cánh mũi, cắn một miếng và nhai từ tốn mới cảm nhận được tất cả hương vị hòa huyện trong vòm miệng: miếng bánh hỏi dai có vị hơi ngọt, nhai đúng miếng bò lụi mềm, béo của thịt ba rọi được cuốn bên trong tất cả trộn lẫn với rau và nước chấm vừa miệng, nuốt rồi mà vị ngon vẫn còn động lại, bụng đã no căng nhưng miệng vẫn muốn ăn mãi.

Nếu có dịp về Thốt Nốt quê mình, bạn hãy một lần ghé qua và nếm thử món bò lụi Tư Hương thì mới cảm nhận được hết cái vị ngon đậm đà của nó.

Nhớ là phải đi trước 17h bạn nhé!

Lượt truy cập: 307